Thống đốc Ngân hàng nói về áp lực khi xảy ra rút tiền hàng loạt tại SCB

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Việc rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng SCB vào tháng 10/2022 tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường tiền tệ, ngoại hối, tạo áp lực lên điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong việc đảm bảo ổn định hệ thống và góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.

Nhìn lại "mức cảnh báo" sau hàng loạt sự kiện

Vụ việc liên quan tới Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tiếp tục được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đề cập trong báo cáo gửi đại biểu về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 8.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tại kỳ họp thứ 3, NHNN đã báo cáo những khó khăn, thách thức trong công tác điều hành chính sách tiền tệ năm 2022 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh tăng lãi suất, áp lực lạm phát. Những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản từ trước đã bộc lộ từ nửa cuối năm 2022.

“Việc rút tiền hàng loạt tại SCB vào tháng 10/2022 tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường tiền tệ, ngoại hối, tạo áp lực lên điều hành của NHNN trong việc đảm bảo ổn định hệ thống và góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, bà Hồng cho hay.

Thống đốc Ngân hàng nói về áp lực khi xảy ra rút tiền hàng loạt tại SCB ảnh 1

Sự kiện rút tiền hàng loạt tại SCB vào tháng 10/2022 tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường tiền tệ (ảnh minh họa).

Về điều hành lãi suất, Thống đốc NHNN nhìn lại năm 2023, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm.

Trong 10 tháng năm nay, NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay; báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng.

Hết tháng 10, tín dụng tăng 10,08%

Bà Hồng cho hay, sau khi thanh khoản của các TCTD cơ bản được đảm bảo, tâm lý thị trường ổn định hơn, nguy cơ rút tiền, tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thêm 1,5-2% cho các TCTD.

"Năm 2022, tín dụng tăng 14,18%; năm 2023 tăng 13,78%; đến ngày 31/10/2024, tín dụng tăng 10,08% so với cuối năm 2023, tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023”, bà Hồng cho hay.

NHNN yêu cầu các TCTD mở rộng tín dụng phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, động lực cho tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Bên cạnh đó, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản và cung ứng vốn với kỳ hạn dài hơn cho các TCTD.

Đến năm 2023, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng (TTTD) khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, NHNN điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế.

Đến năm nay, NHNN định hướng mức TTTD khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và có sự chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng.

“Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng, các quy định về cấp tín dụng của NHNN nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ”, bà Hồng thông tin thêm.

Theo Thống đốc NHNN, tín dụng tăng trưởng “phù hợp với chỉ tiêu” định hướng đầu năm, đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế và phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.